Sinh sản nhân tạo rắn mối
Hiếu Cầu
Anh
Hồ Chí Linh (SN 1984) ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, tỉnh Bến
Tre đã chọn cho mình con đường làm giàu từ nghề nuôi và sinh sản rắn
mối, cung cấp rắn giống, rắn thương phẩm...
Có duyên... với rắn
Ông Nguyễn Thanh Bình, PCT xã Mỹ Hòa
cho biết: “Anh Hồ Chí Linh rất chịu khó, cần cù, sáng tạo. Mô hình chăn
nuôi rắn mối của anh rất hiệu quả. Từ cơ sở đó, xã đã có thêm 3 hộ theo
anh Linh nuôi rắn mối cũng thành công. Tới đây địa phương sẽ tiếp tục
tuyên truyền và hỗ trợ vốn để nhân rộng mô hình làm ăn hiệu quả này”.
Anh Hồ Chí Linh tâm sự, anh vốn theo
học ngành thủy sản, nhưng lại rất thích chăn nuôi côn trùng và động vật
hoang dã. Năm 2010, tình cờ được một người bạn mời đi ăn nhà hàng ở TP
HCM và được chiêu đãi các món ăn chế biến từ thịt rắn mối…
Ăn xong anh không thể nào quên hương vị thơm ngon, đậm đà rất riêng của món ăn này. Khi bạn tính tiền, liếc qua tờ hóa đơn anh thấy giá ghi 700.000 đ/kg rắn mối đã chế biến khiến anh tiếc của, vì ở quê chỉ cần ra vườn là bắt được cả giỏ. Sau lần đó, anh Linh quyết định về quê, ra vườn dừa tìm bắt được 10 con về nuôi thử.
Lúc đầu, do thiếu kinh nghiệm, chưa hiểu tập tính của loài rắn này, chưa biết thức ăn của chúng ra sao, cho nên rắn chết gần hết. Không nản chí, anh Linh lặn lội lên tỉnh Tây Ninh, rồi về Củ Chi (TP HCM) để tìm hiểu cách nuôi và chăm sóc rắn mối. Cuối cùng anh cũng gặp được người chuyên đi bắt rắn mối về để bán làm kiểng, qua tìm hiểu anh đã học hỏi được một số kinh nghiệm về áp dụng cho trại chăn nuôi rắn của mình.
Nhờ chịu khó cần cù, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, rắn được chăm sóc tốt, lớn nhanh. Dần dà trại rắn mối của anh lên tới 5.000 con. Tới nay anh Linh không chỉ có kỹ thuật nuôi tốt mà anh còn cho rắn mối sinh sản, chuyên cung cấp rắn giống và rắn thương phẩm cho thị trường. Ngoài ra anh còn hướng dẫn cho nhiều người cùng nuôi loại động vật có giá trị kinh tế này.
Chia sẻ kinh nghiệm
Anh Linh cho biết, muốn cho rắn mối
sinh sản được, trước hết phải biết phân biệt con đực, con cái. Rắn mối
cái đầu thon, bụng to, di chuyển chậm, gốc đuôi nhỏ, hai bên sườn có
những đốm tròn nửa trắng, nửa đen. Con đực, đầu to, có hai vạch màu cam
chạy dọc hai bên sườn, gốc đuôi lớn, khi kiểm tra bộ phận sinh dục ấn
nhẹ gai giao cấu lòi ra.
Chọn giống bố mẹ: Rắn mối nuôi được
7-8 tháng, tiến hành chọn những con bố mẹ to khỏe, không bị dị tật,
không bị bệnh, nhốt chung chuồng bình thường, tỷ lệ 1 đực 2 cái, sau
2,5-3 tháng là rắn đẻ. Thường rắn đẻ ra bọc trứng bằng đầu đũa, sau khi
đẻ được 2-3 phút rắn con tự cắn bọc và chui ra ngoài. Khi rắn đẻ xong cần tách rắn con và rắn mẹ riêng, sau khi rắn nở được 2-3 ngày tiến hành cho ăn. Thức ăn chủ yếu là các loại côn trùng như trứng mối, kiến, dế; khi rắn lớn sẽ cho ăn sâu gạo, dế nhỏ. Một năm rắn mối đẻ 3 lứa, vào đầu mùa, giữa mùa và cuối mùa mưa. Mổi con rắn cái đẻ được từ 14-15 quả/lứa.
Tương tự, anh Lê Chí Hưởng, ấp Mỹ Thuận, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri cho biết: “Nhờ anh Linh hỗ trợ con giống và tư vấn kỹ thuật nuôi rắn mối, tới nay gia đình tôi cũng nuôi được 4.000 con, vừa SX giống, vừa nuôi thương phẩm. Anh Hồ Chí Linh là người cần cù chịu khó, năng động, dám nghĩ, dám làm... Khi làm ăn được, anh Linh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với mọi người”. |
Theo anh Linh thì ông bà truyền lại
rằng, thịt rắn mối là một vị thuốc bổ, có giá trị dinh dưỡng cao. Trẻ
con đêm ngủ thở khò khè, cho ăn thịt rắn mối sẽ khỏi ngay, ngoài ra còn
chữa được bệnh nhức mỏi xương khớp ở người già … Chính vì vậy, mỗi ngày
càng nhiều người tìm đến các nhà hàng để thưởng thức món ăn đặc sản quý
hiếm này.
Hiện rắn mối SX ra không đủ cung cấp
cho thị trường TP Cần Thơ, Đà Nẵng, TPHCM… Giá bán con giống là 15.000
đồng/con; giá bán rắn thương phẩm từ 350.000-450.000 đồng/kg. Nhờ nuôi
và sinh sản rắn mối cung cấp cho thị trường, gia đình anh Hồ Chí Linh
thu nhập ổn định từ 15-20 triệu đồng/ tháng.