Bệnh kim xương và tài bơi lặn số một
Dương Đình Tường -
“Hồi đó ngực
em bị nổi u to bằng cái chén uống nước. Cái u sưng tấy lên khiến cho bố
em đã chuẩn bị sẵn 10 triệu đồng để đưa con đi Hà Nội khám vì tưởng mắc
ung thư. Thế mà ông Sàng chỉ nhai ít gừng phun vào cái u rồi đọc niệm
chú một tí là thấy đỡ đau, về sau cái u khỏi hẳn”, em Vi Thúy Nga ở thôn
Quán Thanh kể lại.
Thuật niệm chú của họ Triệu
Ông Triệu Văn Sàng (thôn Quán Thanh,
xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) còn nhớ như in năm mình 18 tuổi,
một buổi bố ông bảo: “Năm nay bố chết đấy dù không được thấy mặt con
dâu. Tuy nhiên sau khi bố chết các con làm ăn sẽ mát mẻ (dễ dàng) hơn”.
Trước khi qua đời bố gọi Sàng ra một
góc, truyền cho ông những bài niệm thần chú (làm mằn) chữa xương mắc cổ,
bụi bay vào mắt, sâu róm ngứa chân tay và kim xương với lời dặn “Chỉ
cần làm phúc không cần làm giàu”.
Thuật niệm chú của dòng họ Triệu chỉ
truyền cho con trai, mỗi đời truyền cho một người. Ông Sàng có một người
anh nhưng không được bố truyền bởi nhìn tướng người đó đoản thọ. Quả
thật năm 61 tuổi, anh của ông Sàng qua đời vì bệnh nhồi máu cơ tim -
đúng như lời đoán định của người bố gần 40 năm trước.
Lại nói về chuyện ông Sàng học làm
mằn, các buổi học chỉ diễn ra vào mồng một, ngày rằm chứ tuyệt nhiên
không rơi vào ngày khác trong tháng. Giờ thuật ấy lại được ông truyền
cho người con là Triệu Đức Thuận sinh năm 1982 vì ông “đọc” được tướng
trường thọ của nó.
Hóc xương, bụi bay vào mắt khá dễ hiểu
còn lông của loại sâu róm đen càng để càng ngày lông cắm vào sâu vào da
thịt người, “đóng kén” ở trong đó gây cứng chân tay, khó cử động. Tùy
theo từng loại sẽ có khẩu quyết khác nhau khiến xương gà tự dưng rơi
khỏi cuống họng, bụi không còn dằm dặm nơi khóe mắt và sâu róm không còn
ngứa ran ở dưới chân, tay.
Bản thân Bí thư chi bộ thôn Quán Thanh
Vi Ngọc Lưu một lần hóc xương cá mãi không nuốt trôi cũng đến nhờ ông
Sàng làm: “Ông ấy lấy một bát nước trắng, gác que hương đang cháy ngang
lên rồi niệm chú, húp một hớp nước thổi tắt que hương. Số nước còn lại
trong bát ông bưng lại cho tôi uống và dặn: “Nín thở uống bảy ngụm nhỏ”.
Uống xong tôi thấy triệu chứng hơi vướng ở cổ giảm dần rồi hết”.
Trong các loại bệnh kim xương là khó
tin nhất. Kim xương tiếng Nùng có nghĩa là mũi tên. Những “phù thủy”
(pháp sư nhưng sử dụng các bùa chú vào mục đích xấu - PV) sẽ nuôi một
loại mũi tên. Đúng mồng một hôm rằm họ “bắn” mũi tên đi bằng thuật phù
phép. Người nào yếu bóng vía sẽ bị đau vô cớ, dù có đi viện chiếu chụp
kiểu gì cũng không ra bệnh. Kim xương lại phân ra kim xương cố định tức
đau một chỗ và kim xương chạy tức đau lung tung. Thiển nghĩ của tôi kim
xương có thể là một cái tên mà người Nùng dùng chỉ các loại bệnh đau do
hệ thống thần kinh gây ra chăng?
Tôi gặp hai bệnh nhân mà ông Sàng gọi
là kim xương gồm Vi Thúy Nga ở thôn Quán Thanh-một người vừa học trung
cấp y về và Vi Văn Trọng ở thôn Làng Thành. Nga kể: “Hồi đó ngực em bị
nổi u to bằng cái chén uống nước. Cái u sưng tấy lên khiến cho bố em đã
chuẩn bị sẵn 10 triệu đồng để đưa con đi Hà Nội khám vì tưởng mắc ung
thư. Thế mà ông Sàng chỉ nhai ít gừng phun vào cái u rồi đọc niệm chú
một tí là thấy đỡ đau, về sau cái u khỏi hẳn”.
Trọng kể: “Hồi đó em còn nhỏ bị đau ở
chân không đi nổi mà chỉ nhảy lò cò. Bố cõng em đi đến nhà ông Sàng, ông
đốt hương, thổi nước gừng vào chân rồi bố lại cõng về. Mới cõng qua ải
Chi Lăng, em bảo: “Bố ơi, chân con duỗi ra được rồi”. Một lúc sau thì
tụt xuống, tự đi về nhà”. Sau vụ chữa chân, Trọng tôn ông Sàng lên thành
bố nuôi.
Yết Kiêu xứ Lạng
Về người bơi lặn số một Nông Văn Pản ở
thôn Thành Kho được truyền tai kể về chuyện mùa lũ ông bê chiếc cối đá
để chìm dưới đáy sông Thương, đi ngầm bên dưới tránh dòng nước xiết một
hơi là sang bờ kia. Bà Nông Thị Mọn, cháu gọi ông Pản, là chú ruột kể:
“Hồi ấy Ban quản lý hồ Cấm Sơn có chiếc cano chìm dưới chân đập sâu tới
mấy chục mét. Thuê thợ lặn ở Hải Phòng về nhưng không trục nổi, họ nghe
danh ông Pản mới đến cậy nhờ. Ông Pản lúc đó đã 54 tuổi vẫn nhận lời.
Khi ông lặn dưới nước lâu đến cả chục phút, người ta tưởng ông đã chết
đuối. Ông lặn liền ba hơi mới thấy chiếc cano bởi hồi người ta làm đập,
cả rừng cây cổ thụ bị ngập, chết đứng ở bên dưới che kín cả. Về nhà ông
kể: “Tao lặn ở dưới đấy, thấy có con cá to lắm, to gần bằng cái thuyền
nan bơi vòng quanh cái cano nên tao cứ nín hơi, đợi nó bơi đi rồi mới
móc cáp vào cho người ta kéo lên”.
Bà Mọn kể về người chú ruột của mình
Chân thọt, lưng còng, người toàn xương
với xẩu nhưng cả huyện, thậm chí cả tỉnh Lạng Sơn nhiều người kinh
khiếp tài lặn có một không hai của ông Pản. Có lẽ ông sở hữu một lá phổi
thuộc vào loại vô địch về khả năng dự trữ ô xi để có thể lặn dưới đáy
sông cả chục phút mà không cần bình dưỡng khí.
Vực Bơi (thời chống quân Minh dùng làm
địa điểm tập bơi cho quân lính), vực Bản sâu hun hút, tiết trời tháng
chạp rét căm căm, người trên bờ còn phải đốt lửa sưởi mà ông Pản vẫn lặn
ngụp rồi trồi lên với xâu cá dài cả mét. Sông Thương, đoạn giáp thị
trấn Chi Lăng có cái hang tên gọi Thuồng Luồng sâu đến nỗi nước lạnh
buốt như kem, ai lặn lưng chừng đều phải ngoi lên. Người Nùng bảo đó là
cửa ngõ của vua Thủy Tề, bảo thỉnh thoảng vẫn nghe những tiếng động
thùng thùng như từ âm phủ vọng lên. Thế mà ông Pản lặn xuống lúc ngoi
lên mặt nước, hai tay ông cầm hai con cá lớn, miệng ông ngậm một con cá
nữa khiến những người hiếu kỳ được một phen mắt tròn, mắt dẹt. Đáy sông
như là chốn đất liền, là chỗ dạo chơi đối với ông vậy. Ông Pản mất năm
76 tuổi do già cả.
Khác với tài lặn siêu đẳng của ông
Pản, ông Hứa Văn Sinh ở thôn Ba Đàn có tài bơi cũng thuộc loại khiến
thiên hạ phải lắc đầu, lè lưỡi mà than: “Thế gian có một”. Hồi chưa có
cầu bắc qua sông Thương nối giữa hai xã, ông Sinh phơi lúa ở bờ này,
phơi xong nước lũ kéo đến không thể lội qua về nhà được. Ông cứ đội
nguyên thúng thóc trên đầu, bơi bằng hai chân qua bờ bên kia mà thóc
trong thúng một hột cũng không ướt. Hết thúng thóc này lại sang thúng
thóc khác được ông vận chuyển bằng cách như vậy khiến cho danh tiếng bay
khắp bản trên, xóm dưới. Vậy mà trong một buổi bơi qua sông mùa lũ ông
bị nước cuốn đi. Cái chết như một sự cợt đùa với người tài bơi số một
đất na xứ Lạng.
Anh Nghị có một cơ thể rất đặc biệt
Ở thời điểm hiện tại, trưởng thôn Làng
Ngũa, anh Bế Văn Nghị đang vô địch về khả năng lặn với hơi dài có thể
xuống sâu trên 10 m, xa trên 20 m. Với tài lặn của mình, trưởng thôn
Nghị từng chinh phục đáy đập Khuôn Cát trong một vụ trục vớt người chết
đuối làm cho chính quyền xã phải một phen kinh ngạc. Họ kinh ngạc không
chỉ bởi khả năng lặn sâu mà bởi anh Nghị có một cấu tạo cơ thể rất đặc
biệt khi mỗi bàn tay chỉ có 3 ngón, mỗi bàn chân chỉ có 2 ngón. Những
ngón tay, ngón chân anh chẻ hoe, tõe ra hệt như chân đà điều.