Cây bồ công anh: Bộ phận nào cũng có lợi cho sức khỏe
Cây bồ công anh là cây mọc dại, có hoa rất đẹp, ít ai biết rằng nó lại có tác dụng chữa rất nhiều bệnh. Thậm chí trong rễ chứa nhiều chất hữu ích với cơ thể.Bồ công anh được biết đến như một loại cây dại mọc rất nhiều ở khu vực miền núi phía Bắc nước ta. Ngoài ra, bồ công anh còn mọc rải rác hoặc tập trung thành từng đám ở vườn, các bãi trống ven đường đi, trên nương rẫy.
Hoa bồ công anh rất đẹp, có màu vàng, có loại màu tím. Khi già, cây ra quả có lông màu trắng xếp thành hình cầu. Bồ công anh xuất hiện rải rác từ cuối mùa xuân đến cuối mùa hè. Hoa kết quả trong suốt mùa hè và đầu mùa thu. Sau khi ra hoa quả, cây tàn lụi.
Hạt bồ công anh có túm lông nhờ gió phát tán đi khắp nơi. Vòng đời cây thường kéo dài 3-5 tháng. Khi loại cây này được giới y học biết đến có khả năng kháng một số bệnh thì đã được đưa vào trồng rộng rãi hơn.
Bồ công anh rất dễ phát triển, chỉ cần gieo hạt hoặc nhân giống bằng gốc, sau bốn tháng có thể thu hoạch được. Ngoài tên mọi người hay biết đến là “bồ công anh”, cây còn có một số tên gọi khác như: cây bồ cóc, diếp hoang, diếp dại, mũi mác, diếp trời hay rau lưỡi cày.
Bồ công anh nhỏ nhưng sống dai, thường cao 0,6-1 m, đôi khi cây lớn cao tới 3 m, thân mọc thẳng, nhẵn, không cành hoặc rất ít cành. Lá cây có nhiều hình dạng, gần như không có cuống, chia thành nhiều thùy hay răng cưa to, thô.
Là cây mọc dại, có hoa rất đẹp, ít ai biết rằng cây bồ công anh lại có tác dụng chữa rất nhiều bệnh. Bồ công anh giúp chữa khỏi bệnh tắc tia sữa, tiêu độc, viêm loét dạ dày và bệnh viêm phổi. Thời gian gần đây, mọi người cho rằng bồ công anh có tác dụng chữa ung thư. Nhưng trên thực tế, y học chưa chứng mình được điều này.
Bồ công anh mọc dại, có hoa rất đẹp, ít ai biết rằng bồ công anh lại có tác dụng chữa rất nhiều bệnh.
Bồ công anh có nhiều chất
Tại Hoa Kỳ, một số tài liệu nghiên cứu cho thấy, trong cây bồ công anh, đặc biệt là rễ của cây chứa nhiều các nguyên tố vi lượng như sodium, calcium, magne, potassium, đặc biệt là nguyên tố vi lượng sắt, cao hơn cả rau dền đỏ và rau muống. Trong lá và thân cây bồ công anh còn chứa các viatamin tốt cho mắt và da như vitamin A, hỗ trợ xương như vitamin B6, B1. Lượng vitamin C trong bồ công anh đạt tỷ lệ 49%/mg. Theo y học cổ truyền, bồ công anh vị đắng ngọt, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng nên được dùng để chữa các bệnh mụn nhọt, lở loét, viêm dạ dày tá tràng, viêm gan và các chứng viêm nhiễm khác. Ngoài ra, các cụ xưa thường lấy cây này sắc lấy nước uống để chữa viêm tuyến vú, tắc tia sữa với phụ nữ sau sinh.
Những bài thuốc từ cây bồ công anh
-Làm mát cơ thể, ngừa rôm sảy: bồ công anh từ xưa đã được biết đến như một loại cây lành tính, thường dùng đun nước tắm cho trẻ nhỏ có tác dụng làm mát cơ thể, ngừa rôm sảy.
-Chữa viêm tuyến vú, sưng vú, tắc tia sữa: dùng 20 – 40g lá tươi hoặc 10-15g lá khô. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như hạ khô thảo, thường dùng dưới dạng thuốc sắc. Nên phối hợp uống trong và giã nát đắp ngoài thì rất hiệu quả. Lá rửa sạch, thêm ít muối, giã nát, vắt lấy nước uống, bã đắp lên chỗ vú sưng đau, ngày đắp 1 - 2 lần.
- Chữa các rối loạn hệ bài tiết: Toàn cây bồ công anh được chế biến thành một loại trà, uống mỗi ngày làm gia tăng lượng nước tiểu bài tiết.
- Chữa mụn cóc: Cắt ngang phần gốc của cây và lấy chất dịch tiết ra từ cây bôi lên chỗ mụn cóc, 2-3 lần mỗi ngày, sẽ thấy hiệu quả.
-Mắt đau sưng đỏ: Bồ công anh 40 g, dành dành 12 g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa mụn nhọt: Bồ công anh 40 g, bèo cái 50 g, sài đất 20 g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa viêm loét, mụn nhọt, ghẻ lở và các bệnh ngoài da, giúp làn da tươi sáng và tăng cường thải độc cho gan: Mỗi ngày khoảng 20g, thêm hạ khô thảo, kim ngân hoa đồng lượng, sắc với 600ml nước, đun cạn còn 1/2, chia 2-3 lần uống trong ngày.
- Viêm họng: Bồ công anh 40 g, kim ngân hoa 20 g, cam thảo nam 10 g. Sắc uống ngày một thang.
- Viêm loét dạ dày, tá tràng: Bồ công anh 40 g, lá khôi, nghệ vàng 20 g, mai mực 10 g, cam thảo 5 g. Sắc uống ngày một thang.
- Viêm phổi, phế quản: Bồ công anh 40 g, vỏ rễ dâu 20 g, hạt tía tô 10 g, kim ngân hoa 20 g, cam thảo nam 10 g. Sắc uống ngày một thang.
- Viêm gan virus: Bồ công anh 30 g, nhân trần 20 g, chó đẻ răng cưa (kiềm vườn) 20 g, rau má 30 g, cam thảo nam 20g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa ăn uống kém tiêu: lá bồ công anh khô 10-15 g; nước 600 ml (khoảng 3 bát con); sắc còn 200 ml (1 bát),uống liên tục trong vòng 3-5 ngày, có thể kéo dài hơn.
- Chữa đau dạ dày: lá bồ công anh khô 20 g; lá khôi 15 g; lá khổ sâm 10 g; thêm 300 ml nước, đun sôi trong vòng 15 phút, thêm ít đường vào, rồi chia 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục trong vòng 10 ngày, sau đó nghỉ 3 ngày rồi uống tiếp cho đến khi khỏi.
VietBao.vn